Ai là người có nguy cơ loãng xương?
Bạn có thể bị loãng xương nếu bạn đã bị mãn kinh.
Không may là không ai trong chúng ta có thể kiểm soát được những thay đổi hoóc môn khi mãn kinh. Sau mãn kinh, loãng xương tiến triển theo thời gian, xương mất nhiều lên. Kết quả là một hoặc nhiều xương bị gãy, và sau đó là đau kéo dài và tàn tật. Người ta ước tính rằng khoảng 40% phụ nữ trên 50 tuổi sẽ phải chịu gãy xương do loãng xương vào lúc nào đó trong phần còn lại của cuộc đời. Chẩn đoán loãng xương càng sớm càng tốt là bước rất quan trọng để giúp hạn chế mất xương ở giai đoạn sớm nhất có thể.
Mãn kinh là nguyên nhân quan trọng nhất gây loãng xương. Các yếu tố tham gia vào nguy cơ loãng xương như:
- Gia đình có người bị loãng xương.
- Mãn kinh sớm (trước tuổi 45).
- Gãy xương trước đây có thể là do loãng xương.
- Phụ nữ da trắng và châu Á.
- Người gầy hoặc nhỏ xương.
- Sử dụng thuốc như là thuốc corticoid, hoóc môn tuyến giáp.
- Hút thuốc, uống rượu.
- Không tập thể dục.
- Lượng canxi trong khẩu phần ăn thấp.
Bạn nên nhớ rằng chỉ riêng mãn kinh là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh loãng xương. Thậm chí không có các yếu tố khác bổ sung bạn vẫn có thể bị loãng xương.
Không chờ tới khi gãy xương...
Nếu bạn ở trong đối tượng có nguy cơ loãng xương hãy đi khám bác sỹ để được kiểm tra, tư ván và dùng thuốc hỗ trợ. Sau đây là một số câu hỏi để hỏi bác sỹ của bạn:
Làm thế nào để chăm sóc xương của tôi tốt hơn?
Có vài cách có thể giúp phụ nữ làm chậm mất xương trong tương lai thậm chí những điều này không chữa khỏi loãng xương.
Canxi có thể làm chậm mất xương nhưng không thể dừng mất xương. Trong suốt cuộc đời, canxi đóng vai trò chìa khóa duy trì tình trạng của xương. Canxi rất cần thiết khi bạn đang trong giai đoạn phát triển, thường là cho đến tuổi 35, khi này cơ thể cần canxi để tạo xương mạnh. Canxi cũng có vai trò đặc biệt trong giai đoạn sau của cuộc đời khi nó có thể giúp làm chậm mất xương. Nhưng trái ngược với nhiều người nghĩ, canxi không thể dừng được mất xương và không thể làm xương khỏe lên sau mãn kinh.
Vai trò của tập luyện
Tập luyện thường xuyên như đi bộ nhanh, chạy, tennis có thể giúp tăng độ bền của xương. Các bác sỹ sẽ tư vấn chương trình tập luyện phù hợp với bạn.
Tôi có nên đo mật độ của xương không?
Đây là cách đo chính xác mật độ xương hiện tại của bạn, và các xét nghiệm này giúp bác sỹ dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai. Các bác sỹ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm này để theo dõi trong những năm tiếp theo. Các xét nghiệm theo dõi này giúp bác sỹ so sánh kết quả hiện tại và trong tương lai để tìm hiểu tốc độ mất xương của bạn theo thời gian và đánh giá hiệu quả điều trị.
Quan điểm điều trị là gì?
Điều trị loãng xương là làm chậm lại hoặc ngưng quá trình mất xương và phòng gãy xương, kiểm soát đau do bệnh loãng xương gây ra.
(Theo Toquoc.gov.vn)